MAP

KENYA-RELIGION-CHRISTMAS

Đức cha Wilfred Anagbe: Bạo lực thánh chiến ở Nigeria là diệt chủng

Đức cha Wilfred Anagbe của Makurdi tố cáo những vụ tấn công của Hồi giáo cực đoan tại Nigeria là “một cuộc diệt chủng” nhằm Hồi giáo hóa đất nước.

Vatican News

Đức cha nói: “Tình hình hiện rất bấp bênh, nguy hiểm, tôi có thể nói điều đó mà không chút do dự. Các cuộc tấn công nhắm vào cộng đoàn Kitô hữu đã trở thành chuyện thường xuyên, gần như diễn ra hàng ngày. Đôi khi, những cuộc tấn công này kéo dài suốt một tuần và chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chính phủ Nigeria dường như không hiểu, hoặc đang sống trong trạng thái phủ nhận thực tế”.

Đức cha giải thích, mọi chuyện bắt đầu từ những năm 2000, khi Boko Haram tràn vào vùng Đông Bắc. Họ nói văn minh phương Tây là xấu xa, bắt đầu phá hủy trường học và nhà thờ, ép cả cộng đoàn Kitô hữu phải di dời. Họ đã bắt cóc các bé gái ở Chibok. Hơn mười năm đã trôi qua, và nhiều em trong số đó vẫn chưa được thả tự do.

Bi kịch ngày nay được phản ánh qua những con số tàn khốc. Chỉ tại Giáo phận Makurdi, từ năm 2018 - 2025, mất khoảng 19 giáo xứ và một tu viện. Đức cha buộc phải đóng cửa các bệnh viện và phòng khám vì bạo lực do những người chăn nuôi khủng bố Fulani gây ra. Họ tấn công dân thường, một số người bị giết, những người khác phải chạy trốn đến các trại tị nạn, nhưng sau đó không thể trở về với trang trại hay đời sống thường ngày.

Đức cha mạnh mẽ nói: “Họ muốn Hồi giáo hóa Nigeria, biến đất nước này thành Nhà nước Hồi giáo của Tây Phi. Đây là một cuộc thánh chiến, một cuộc chiến thanh trừng sắc tộc, một cuộc diệt chủng. Khi tấn công các ngôi làng, họ thảm sát cả những trẻ sơ sinh. Các em có tội gì?”

Kiên quyết bác bỏ những ai cho rằng bạo lực xuất phát từ xung đột khí hậu hoặc tranh chấp giữa nông dân và người chăn nuôi, Đức cha Anagbe nói: “Không phải là do khí hậu. Không phải là mâu thuẫn lợi ích. Đây là một cuộc tấn công trực tiếp vào những người dân vô tội. Họ muốn biến Nigeria thành một quốc gia Hồi giáo”.

Đức cha đưa ra trường hợp của Rwanda vào năm 1994. Khi đó thế giới im lặng và 800 ngàn người đã thiệt mạng. Theo ngài, nếu cộng đồng quốc tế phớt lờ cuộc khủng hoảng này, người ta sẽ chứng kiến một cuộc diệt chủng khác, với 230 triệu người Nigeria phải chạy trốn. Điều đó sẽ gây ra hỗn loạn cho toàn bộ Tây Phi.

Do ảnh hưởng của các cuộc tấn công, hoạt động mục vụ của Đức cha rất khó khăn, vì các giáo xứ bị bỏ trống, các linh mục và tu sĩ phải được chuyển đi nơi khác hoặc sống như những người tị nạn cùng với giáo dân. Nhưng Đức cha nói: “Chúng tôi cố gắng hết sức để chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người dân. Điều đầu tiên họ tìm kiếm là Thiên Chúa. Sự hiện diện của các linh mục mang lại cho họ hy vọng. Chúng tôi dâng lễ tại các trại, ban bí tích hòa giải, lắng nghe, và hỗ trợ tâm lý để giúp họ tránh những tổn thương không thể hồi phục”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng 7 2025, 12:16