MAP

Các lều tạm trong trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh Các lều tạm trong trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh 

150.000 người Rohingya đã đến các trại tị nạn ở Cox’s Bazar từ năm ngoái

Từ năm ngoái đến nay, đã có thêm khoảng 150.000 người Rohingya – một nhóm thiểu số Hồi giáo không quốc tịch – chạy sang Bangladesh để trú ẩn trong các trại tị nạn tại khu vực Cox’s Bazar, giữa lúc bạo lực và đàn áp tại Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng di dân bị thế giới lãng quên nhiều nhất hiện nay.

Vatican News

Theo báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), làn sóng người Rohingya vượt biên sang Bangladesh trong 18 tháng qua là lớn nhất kể từ cuộc tháo chạy quy mô năm 2017 khỏi bang Rakhine, miền tây Myanmar. Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có hơn một triệu người Rohingya sống chen chúc trong các khu trại tị nạn xuống cấp và chật hẹp, với diện tích chỉ vỏn vẹn 24 km², khiến nơi đây trở thành khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Không được công nhận, không được bảo vệ

Dù sinh sống tại Myanmar trong nhiều thế hệ, người Rohingya không được chính quyền công nhận là công dân và gần như không có quyền lợi xã hội, chính trị hay kinh tế. Ngược lại, chính nhà cầm quyền quân sự Myanmar là bên thực hiện các cuộc đàn áp có hệ thống, buộc hàng trăm nghìn người Rohingya phải chạy trốn khỏi đất nước.

Những người tị nạn này là nạn nhân của giết chóc hàng loạt, hãm hiếp, tra tấn, và phá hủy nhà cửa cũng như đền thờ, một chuỗi hành vi mà Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những chiến dịch bách hại tồi tệ nhất thế giới nhắm vào một dân tộc thiểu số.

Cuộc sống bấp bênh

Tại các trại tị nạn ở Bangladesh, nhiều gia đình, bao gồm cả trẻ em, phải sống ngoài trời hoặc trong các túp lều tạm bằng tôn và bìa cứng, dễ bị ngập khi mùa mưa đến. Nước sạch, lương thực và điều kiện vệ sinh y tế đều ở mức thiếu thốn nghiêm trọng, khiến tình hình nhân đạo ngày càng xuống cấp.

Một số người Rohingya tìm cách vượt biên sang Malaysia và Thái Lan, nhưng đa số bị từ chối tiếp nhận, làm trầm trọng thêm thảm kịch của một dân tộc bị lãng quên, không nơi nương tựa và không ai muốn đón nhận.

Đây là một vết thương lặng lẽ trong lương tâm nhân loại, đòi hỏi tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ phẩm giá và quyền sống của những người bị đẩy ra bên lề lịch sử.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng 7 2025, 13:22